Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo, các Bộ ngành Trung ương; với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận cao của nhân dân trong tỉnh, qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, huy động được mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, số xã đạt chuẩn nông thôn mới bảo đảm tiến độ và cùng với nhiều địa phương cả nước đã góp phần đạt mục tiêu chung của Chương trình do Chính phủ đề ra giai đoạn 2010-2020. Đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 44/104 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, dự kiến cuối năm 2019 thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2020 huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu nói trên, thì việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương trong thời gian qua vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó có việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm. Chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn làm cơ sở cho tăng thu nhập và đời sống người dân. Công tác xóa đói giảm nghèo tuy có chuyển biến, nhưng chưa thật bền vững...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Sỹ Nguyên, một số nguyên nhân của những tồn tại là do trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa tập trung, quyết liệt: Nhiều địa phương vẫn còn tình trạng ỷ lại vào Nhà nước, vào cấp trên; trong việc tổ chức thực hiện còn chú trọng về đầu tư hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân; một số sở, ban ngành cấp tỉnh (và phòng ban đơn vị cấp huyện) chưa thực sự tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, chưa kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nhân dân về nội dung, chủ trương, biện pháp, nguồn lực và bước đi về xây dựng nông thôn mới có mặt còn hạn chế, chưa được cập nhật đầy đủ, nên nhiều nơi người dân chưa tích cực tham gia, chưa phát huy hết vai trò chủ thể của người dân…
Có ít nhất 50% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt nông thôn mới vào năm 2020
Hội nghị đã thảo luận, nêu ra những bài học kinh nghiệm trong việc tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Xác định việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; trong đó cấp ủy chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quá trình thực hiện. Trong tổ chức thực hiện cần có kế hoạch cụ thể, phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cơ sở, từ đó, đề ra những biện pháp tháo gỡ kịp thời…
Hội nghị cũng xác định tiếp tục phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 đã đề ra nhằm tạo tiền đề hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, cụ thể: Số xã đạt chuẩn tăng ít nhất 10 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 54 xã, tương đương tỷ lệ 51,9%. Thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Quảng Điền đạt 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu toàn tỉnh có 02 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao để hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020. Đối với các xã còn lại, phấn đấu số tiêu chí đạt chuẩn bình quân tăng 0,5 tiêu chí/xã/năm.
Mục tiêu nhiệm vụ năm 2020 là phấn đấu hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ Chương trình giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể có ít nhất 61 xã/104 xã, tương đương tỷ lệ 59% đạt chuẩn nông thôn mới. (Năm 2020 có thêm ít nhất 7 xã đạt chuẩn); Cấp huyện: Huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới; Phấn đấu toàn tỉnh có 08 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu; Có ít nhất 16 thôn nông thôn mới kiểu mẫu và 40 vườn mẫu được công nhận; Có ít nhất 50% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt nông thôn mới.
Làm cho cuộc sống người dân phải sung túc hơn
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ biểu dương những nỗ lực, cố gắng toàn diện của các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể trong quá trình xây dựng nông thông mới trong thời gian vừa qua. Trong đó ghi nhận sự tham gia, sự hỗ trợ thiết thực của các công ty, doanh nghiệp; đặc biệt sự vào cuộc rất năng nỗ, hăng hái của bà con nhân dân đang sinh sống tại các vùng nông thôn ở các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ lưu ý, để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chương trình và tiếp tục xây dựng nông thông mới có hiệu quả thì phải nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng và chính quyền. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng đóng vai trò rất quan trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nêu rõ: “Việc xây dựng nông thôn mới có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc; đây là việc làm thường xuyên và liên tục”. Làm nông thôn mới là làm cho người dân mà chủ yếu là nông dân, cho nông thôn. Người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm của chương trình. “Mục tiêu cao nhất và xuyên suốt khi làm nông thôn mới là cuộc sống người dân phải sung túc hơn, xã hội ở nông thôn yên bình hơn và chính quyền ở nông thôn thân thiện hơn. Đây là ba yếu tố cốt lõi phải hướng đến mà địa phương nào cũng cần phải lưu ý khi xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ lưu ý lãnh đạo các địa phương cần quan tâm theo chiều hướng ấy để tập trung chỉ đạo thực hiện.
Để cuộc sống người dân được sung túc hơn, người dân có cuộc sống thu nhập cao hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan phải quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách phù hợp. Đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình sản xuất; phát triển sản phẩm có hiệu suất cao, qua đó nâng cao năng suất trên 1 đơn vị diện tích (hecta); chú trọng xây dựng các thương hiệu đặc sản nông nghiệp ở các vùng miền nông thôn và địa phương. Mỗi huyện, mỗi địa phương cần tìm ra một hướng đi phù hợp; xây dựng được các sản phẩm chủ lực của địa phương mình…
Đưa nông thôn thật sự trở thành môi trường đáng sống
Bên cạnh đó, các cấp, ngành tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy chính quyền; chú trọng cải cách hành chính; phải nỗ lực, quyết tâm trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững; nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Song song với đó là thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn. Phải đưa nông thôn thật sự trở thành môi trường đáng sống, môi trường bình yên, thân thiện.
“Chúng ta đã thành công bước đầu trong phong trào Ngày chủ nhật xanh tại Thừa Thiên Huế - một phong trào có sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân và có sức lan tỏa rộng lớn. Vì vậy cần phát huy, nhân rộng sự thành công của mô hình Ngày chủ nhật xanh này đối với việc xây dựng nông thôn mới. Đây là yếu tố khác biệt của tỉnh Thừa Thiên Huế chúng ta so với 62 tỉnh, thành khác trong việc xây dựng nông thôn mới” - Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp từ nay cho đến năm 2021 cần sớm hình thành 250 hợp tác xã kiểu mới theo chỉ tiêu của Chính phủ đã giao. Đồng thời lưu ý những địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới rồi thì cần tiếp tục giữ vững và không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng; tập trung thực hiện cảc giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí hiện hành, đồng thời chủ động xác định nội dung, giải phảp bảo đảm duy trì và đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025.
Dịp này, 8 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.