Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai và hoàn thành tốt việc tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với 33.787 người có công thuộc diện rà soát. Qua rà soát, có 32.599 trường hợp được thực hiện đúng chế độ ưu đãi, tỷ lệ thực hiện sai chế độ thấp chiếm 0,23% (79 trường hợp). Đồng thời, tiếp nhận 3.426 hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ đối với người có công; trong đó, tỉnh đã giải quyết 2.708 hồ sơ.
Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 24 nghìn người có công được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; trong đó có 2.194 mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện còn sống 108 mẹ. Hầu hết người có công và thân nhân của họ đã được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước; các đối tượng chính sách không hưởng lương và BHXH đều được Tỉnh trích ngân sách mua thẻ BHYT và khi chết thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí. Hàng năm, cùng với tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ (27/7), các địa phương trong tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách ưu đãi quan tâm đến các gia đình có công như: ưu tiên đất sản xuất, miễn giảm thuế sử dụng đất; hỗ trợ tạm ứng trước vật tư, phân bón, miễn giảm một số khâu dịch vụ; trợ cấp khó khăn đột xuất, ưu đãi trong học tập cho con em người có công... Nhờ đó, đời sống của các gia đình chính sách cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vận động đóng góp được hơn 20 tỷ đồng vào “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh. Từ nguồn Quỹ này và nguồn huy động khác, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 2.669 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 44,257 tỷ đồng, trao tặng 8 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa; các cơ quan, đơn vị đã nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời bà mẹ VNAH còn sống và tổ chức tốt công tác chăm sóc sức khỏe và điều dưỡng cho người có công…Ngoài ra, đã thực hiện xây dựng mới và sửa chữa 4.648 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 116,196 tỷ đồng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
Hàng năm, Tỉnh đều bố trí ngân sách và tổ chức các đoàn người có công tiêu biểu trong toàn tỉnh đi thăm Thủ đô Hà Nội, viếng lăng Bác và thăm các cơ quan Trung ương và các danh thắng ở các tỉnh bạn. Qua đó, đã tạo sự phấn khởi, là động lực tinh thần to lớn để người có công ngày càng phát huy tinh thần cách mạng và niềm tin vào Đảng, chính quyền tạo sự lan tỏa niềm tin trong cộng đồng. Năm 2016, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức điều dưỡng luân phiên tại các Trung tâm điều dưỡng người có công và điều dưỡng tại gia đình cho 9.645 lượt đối tượng với kinh phí trên 13 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho gần 38.000 đối tượng chính sách nhân các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm…với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng.
Trong công tác tìm mộ liệt sỹ, thời gian qua, toàn tỉnh đã qui tập được trên 31.000 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại 65 nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh và tại nghĩa trang gia tộc của liệt sỹ để thân nhân tự quản lý chăm sóc. Tỉnh cũng đã phối hợp với Cục Người có công và Trung tâm giám định Công nghệ cao gene Việt tiến hành lấy mẫu sinh phẩm gần 2000 hài cốt liệt sĩ chưa có thông tin ở các Nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Tỉnh cũng dành nguồn ngân sách đáng kể để xây dựng, nâng cấp và tu bổ các Đài nghĩa trang liệt sĩ, Nhà ghi công liệt sĩ; riêng năm 2017, tỉnh đã trích từ nguồn ngân sách địa phương trên 10 tỷ đồng để thực hiện 17 nâng cấp, tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 năm nay.
Thời gian tới, cùng với tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực chính sách ưu đãi người có công, tập trung giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách có công và xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công.
Đặc biệt là, tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân người có công, đảm bảo gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của khu dân cư nơi cư trú. Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”; ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" để giúp các gia đình chính sách khác phục khó khăn, cải thiện cuộc sống. Phấn đấu cơ bản không có người có công còn ở nhà tạm và quan tâm hơn đối với các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng.