Cấp dưỡng Trường mầm non Vĩnh Ninh chuẩn bị bữa ăn trưa cho các bé
Phụ huynh âu lo
Diễn biến phức tạp về dịch tả lợn châu Phi những ngày qua (chưa phát hiện ở Thừa Thiên Huế) nhưng cũng khiến không ít phụ huynh lo lắng, nhất là các gia đình có con ở lại bán trú tại các trường mầm non. Một số phụ huynh đã có ý kiến với nhà trường nên hạn chế thịt lợn trong thực đơn hàng ngày của trẻ. Chị Phan Thị Thảo My, ở phường Vĩnh Ninh (TP. Huế), phụ huynh có con đang học lớp mầm non, cho hay: “Chúng tôi không quay lưng với thịt lợn sạch nhưng thực sự là chúng tôi không yên tâm khi không biết nguồn thực phẩm ở trường lấy từ đâu, có được kiểm định hay không. Chúng tôi mong nhà trường trong thời điểm này nên hạn chế thức ăn được chế biến từ thịt lợn cho trẻ”.
Nhiều phụ huynh bày tỏ nguyện vọng, muốn được nhà trường cung cấp thực đơn hàng ngày cũng như danh sách các đơn vị cung ứng nguồn thực phẩm, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của các bếp ăn. Để phụ huynh yên tâm, một số trường đã công khai niêm yết các thông tin về nguồn thực phẩm, các công đoạn sơ chế thực phẩm... ngay tại tiền sảnh của trường. “Để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, nhà trường đã chỉ đạo bếp tăng cường chế biến món ăn từ thịt gà, thịt bò, cá, tôm... Khi nào tình hình ổn định, nhà trường sẽ điều chỉnh lại thực đơn của trẻ cho phù hợp", cô giáo Trần Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường mầm non 2 cho biết.
Trường mầm non 8/3 tổ chức tiệc buffet cho trẻ
Thực phẩm đã được kiểm định
Chúng tôi đến Trường mầm non Thủy Xuân (TP. Huế), nơi có trên 540 cháu đang theo học ở 3 cơ sở. Khác với ngày trước, cấp dưỡng không phải mua thực phẩm ở ngoài chợ mà đều hợp đồng với các công ty được cấp giấy phép cung ứng nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn.
Cô Phạm Thị Hiên, làm nghề cấp dưỡng hơn 10 năm nay nên có khá nhiều kinh nghiệm mỗi khi có dịch bệnh xuất hiện. Cô kể, thay đổi thực đơn của trẻ trong thời gian dài không có thịt lợn sẽ không đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Vì vậy, khâu kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của thịt lợn càng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Khi thực phẩm được đơn vị cung cấp đưa về trường, chúng tôi kiểm tra bằng cảm quan, thấy thực phẩm tươi ngon mới đồng ý sử dụng. Mỗi ngày, chúng tôi sử dụng khoảng 5kg thịt lợn cho học sinh toàn trường. Trong khâu chế biến, thịt phải chần qua nước sôi hoặc ngâm muối...
“Chúng tôi xây dựng thực đơn cho trẻ hàng tuần theo phần mềm của Bộ Y tế để cung cấp cho các cháu đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, để phụ huynh yên tâm, thực đơn được nhà trường công khai ở nhà bếp và bảng thông tin cho phụ huynh từ đầu tuần để họ cân đối lượng dinh dưỡng cho các bé”, cô Hiên giải thích thêm.
Trong khuôn viên bếp khá rộng rãi, Trường mầm non Vĩnh Ninh được trang bị đủ hệ thống vận hành của bếp một chiều với trang thiết bị khá hiện đại. Các khu được phân bổ riêng biệt, ngăn nắp. Từ khu tiếp phẩm, đến sơ chế thực phẩm, chế biến thức ăn, hệ thống bàn chia khẩu phần... Sau khi thức ăn được chế biến, nhà trường đều lưu lại mẫu theo đúng quy định. Cuối cùng là thang vận chuyển lên bàn ăn theo lớp rất khoa học. Bếp ăn một chiều như ở Trường mầm non Vĩnh Ninh sẽ giúp kiểm soát một cách tốt nhất về chất lượng món ăn, hạn chế tối đa hiện tượng ngộ độc thực phẩm mà các bếp ăn tập thể thường hay gặp phải.
Cô giáo Phan Thị Bạch Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Vĩnh Ninh cho biết: "Mặc dù thông tin về dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lan rộng tại một số địa phương, tuy nhiên, nhà trường vẫn không thay đổi thực đơn cho trẻ. Khẩu phần ăn của các cháu hàng ngày là 19.000 đồng/ngày/cháu. Vấn đề chủ yếu là nguồn gốc thịt lợn phải đảm bảo, tăng cường giám sát kỷ nguồn nhập thực phẩm”.
Tăng cường kiểm tra
Toàn tỉnh có 45 trường mầm non, trong đó có 31 trường công lập và 14 trường tư thục, còn nhóm trẻ gia đình phát triển khá rầm rộ. Theo bà Hồ Thị Ngọc Như, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế, những ngày này, ngành giáo dục tăng cường kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị cẩn trọng khi chọn thực phẩm, nhất là phải đảm bảo nguồn gốc an toàn.
Qua kiểm tra một số trường mầm non trong thành phố, bước đầu các trường đều thực hiện bếp ăn theo quy trình một chiều. Các trường đều ký hợp đồng mua thực phẩm với các đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm uy tín, có tư cách pháp nhân. Ở nhiều trường, thực phẩm trước khi được đưa vào chế biến đã được kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm tươi sống, có xuất xứ rõ ràng và đã qua kiểm dịch... Cấp dưỡng đều có bằng trung cấp hoặc sơ cấp nấu ăn và đã được khám sức khỏe định kỳ. Hầu như, các trường đều có tủ bảo quản, mẫu lưu thức ăn và dụng cụ sống, chín riêng biệt. Một số trường đã hạn chế cho trẻ ăn thịt lợn…
Quay trở lại vấn đề các nhóm trẻ gia đình ồ ạt mở ra, liệu có đảm bảo về khâu an toàn thực phẩm cho trẻ hay không, bà Hồ Thị Ngọc Như cho rằng, tuy các nhóm này do UBND các phường, xã quản lý nhưng Phòng Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ thêm về chuyên môn để một số cơ sở có thể đảm bảo khâu an toàn thực phẩm cho trẻ trong giai đoạn hiện nay.