Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến trong một dịp khảo sát mô hình chăn nuôi hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm.
Mô hình chăn nuôi hữu cơ hiệu quả
Việc phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm được bắt đầu vào năm 2013. Ban đầu ứng dụng mô hình nuôi 30 con/lứa/HTX đến nay đã có 14 mô hình nuôi 500 con/lứa tại gia trại của 5 huyện, thị xã, tại Huế và nhiều tỉnh thành. Những kết quả chăn nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh đã được nhiều người dân, nhiều tỉnh thành đón nhận vì chất lượng thịt thơm ngon, hiệu quả chăn nuôi cao, không dịch bệnh trong chăn nuôi. Người tiêu dùng yên tâm sử dụng do quy trình chuỗi chăn nuôi đạt 5 không, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa an toàn sinh học. Đến nay, mô hình này đã được chứng nhận chuỗi sản xuất chăn nuôi hữu cơ an toàn.
Để nhân rộng mô hình này, Tập đoàn đã hỗ trợ cho người dân vay vốn với lãi suất 0%, cung cấp nguồn giống, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thức ăn chăn nuôi ủ bằng men vi sinh do Tập đoàn sản xuất và giám sát quy trình chăn nuôi bằng hệ thống camera, sau đó thu mua với giá cao hơn giá thị trường cho người dân khi đến hạn xuất chuồng.
Từ những hiệu quả thực tế do mô hình này đem lại, đặc biệt là trong thời điểm dịch tả Châu Phi bùng phát khắp cả nước, nhưng riêng mô hình chăn nuôi hữu cơ Quế Lâm vẫn an toàn đã nhận được sự tin tưởng của các hộ chăn nuôi, người tiêu dùng và các cấp quản lý. Ngày càng có nhiều hộ, HTX đăng ký mở rộng chăn nuôi theo mô hình của Tập đoàn.
Thay đổi so chăn nuôi thông thường
Cả 8 thôn trên địa bàn xã Phong Thu (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đều xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi nhưng chuồng lợn gia đình ông Nguyễn Văn Lịch, thôn Trạch Hữu vẫn an toàn. Ông cho biết: “Lúc đầu, nghe thông tin Tập đoàn Quế Lâm tuyên truyền mô hình chăn nuôi lợn không có mùi hôi, không ô nhiễm môi trường và thu mua lại lợn cho các hộ dân với giá cao hơn thị trường nên tôi tò mò rồi đăng ký đi thực tế. Và tôi bắt tay thực hiện chăn nuôi theo mô hình này cách đây hai năm. Từ khi liên kết với Tập đoàn Quế Lâm chúng tôi nhận thấy có 4 sự thay đổi rõ rệt so với chăn nuôi thông thường.
Thứ nhất, không dịch bệnh, từ dịch tai xanh đợt trước đến dịch tả lợn Châu Phi lần này, đàn lợn đều an toàn. Thứ hai là không ô nhiễm môi trường, không có mùi hôi. Thứ ba là có nguồn phân chuồng rất phong phú. Thứ tư là kinh tế, nuôi lợn hữu cơ hạch toán chi phí mỗi con lãi 500-700 ngàn. Nhờ Tập đoàn bao tiêu sản phẩm nên đầu ra rất ổn định, trước đây giá lợn lên xuống khiến nông dân thường xuyên bỏ chuồng, nhưng sau khi chúng tôi thực hiện thành công, hiện rất nhiều hộ dân đăng ký tham gia nuôi lợn hữu cơ”.
Nói về mô hình chăn nuôi hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Với thời gian dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện và việc tất cả các mô hình chăn nuôi liên kết của Tập đoàn Quế Lâm đến thời điểm này chưa nhiễm bệnh, có thể đủ khẳng định chế phẩm sinh học của Tập đoàn Quế Lâm sử dụng trong chăn nuôi hữu cơ đã tăng cường sức đề kháng giúp các đàn lợn chưa bị xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.
Dịch tả lợn Châu Phi có sức sống rất mãnh liệt. Ở ngoài môi trường 56°C, các loại vi rút khác có thể chết nhưng vi rút dịch tả lợn Châu Phi vẫn có thể tồn tại 7 phút. Diễn biến dịch trên gia súc luôn phức tạp, vì vậy, những mô hình chăn nuôi như thế này rất được nông hộ quan tâm. Trong thời gian tới, mô hình chăn nuôi hữu cơ của Quế Lâm cần được nhân rộng”.